Trang chủ / Quy tắc ứng xử tại trường

 Giáo dục mầm non là một bước tiến lớn đối với trẻ nhỏ. Một trong những thách thức lớn nhất mà trẻ phải đối mặt đó là trẻ ra khỏi vòng tay cha mẹ và hòa mình vào hoạt động tập thể. Ở đó, trẻ sẽ học cách sống, cách giao tiếp và dần định hình tính cách riêng của mình. Với mỗi môi trường, sẽ luôn có những quy tắc ứng xử nhất định để trẻ điều chỉnh được hành vi của bản thân sao cho phù hợp và văn minh nhất.  

Hành vi bình thường của trẻ là gì?
Hành vi bình thường ở mỗi đứa trẻ phụ thuộc vào độ tuổi, cá tính, tình hình phát triển thể chất và tình cảm của mình.  Hành vi bình thường hay hành vi tốt thường được quyết định bởi sự phù hợp của nó trong phạm vi xã hội, văn hóa và sự phát triển thông thường của trẻ. 
Giáo dục mầm non luôn đặt giáo dục hành vi và hình thành nhân cách lên hàng đầu để trẻ phát triển phù hợp với lứa tuổi và nhận thức, bên cạnh đó cũng xây dựng nền tảng giáo dục tốt cho trẻ.
 
Những hành vi không phù hợp là gì:
 
Hành vi của trẻ có thể là một vấn đề nếu nó không tương xứng với kỳ vọng của gia đình hay không phù hợp với môi trường mà trẻ tương tác. Với trẻ nhỏ, không có những hành vi xấu chỉ có những hành vi chưa phù hợp hoặc chưa được điều chỉnh đúng cách để phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ.
 
Những hành vi sau đây được coi là không phù hợp tại trường mầm non: 
 
o Trẻ gây hại đến cơ thể bao gồm: bản thân, trẻ khác, người lạ, vật nuôi…
o Trẻ có những lời lẽ hung hăng, thô lỗ hoặc thiếu văn hóa tới: các bạn cùng lớp, cô giáo, phụ huynh, khách thăm trường
o Trẻ chơi mạnh tay một cách cố ý dẫn đến làm hỏng các thiết bị hoặc đồ đạc của trường.
o Trẻ bắt nạt với ý định làm người khác đau, đe dọa hoặc làm người đó sợ.
o Trẻ tranh giành, không chia sẻ đồ chơi, đồ dung với trẻ khác
o Trẻ không hợp tác trong mọi hoạt động tại lớp
 
 
 
Những quy tắc ứng xử đối với những hành vi của trẻ: 
 
1. Hạn chế những hành vi chưa phù hợp
Giáo viên sử dụng hệ thống khuyến khích và kỷ luật để khuyến khích đối với những hành vi tốt và điều chỉnh hành vi chưa phù hợp ở trẻ.
Giáo viên sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ thích hợp để đưa ra các hành vi tốt phù hợp với nhận thức theo từng giai đoạn của trẻ
Giáo viên tổ chức không gian, khu vực học và chơi phù hợp với lứa tuổi trẻ để hạn chế các hành vi không phù hợp
Giáo viên tổ chức chương trình học, trò chơi phù hợp với lứa tuổi trẻ, giúp trẻ cân bằng giữa các hoạt động tĩnh và động, cân bằng trạng thái tâm lý trẻ.
Giáo viên giảng giải, khuyến khích trẻ chịu trách nhiệm cho hành vi và tự đặt ra các giới hạn cho riêng mình. 
 
2. Những biện pháp điều chỉnh hành vi của trẻ
 
Chuyển hướng hành vi cho trẻ bằng cách hướng dẫn sang một hành vi khác và khuyến khích, khen thưởng khi trẻ thực hiện được hành vi mới đó.
Khi xuất hiện xung đột và hành vi không phù hợp ở trẻ lập tức thăm hỏi và giảng giải với những ngôn từ phù hợp với lứa tuổi để trẻ hiểu về hành vi của bản thân và hậu quả. 
Dùng phương pháp “time out” khiến trẻ phải tự mình suy nghĩ và hối lỗi với những hành vi của mình.
Phương pháp “time out”: 
- Dành thời gian cho trẻ tự suy nghĩ về hành vi chưa phù hợp của bản thân
- Dành không gian yên tĩnh để giúp trẻ trấn tĩnh và kiềm chế những hành vi chưa phù    hợp
- Quy định thời gian tự suy nghĩ của trẻ phù hợp với từng độ tuổi. 
- Giáo viên luôn giữ bình tĩnh, không quát mắng và giữ khoảng cách không quá xa với trẻ. Nếu trẻ rời vị trí trước khi hết thời gian quy định, yêu cầu trẻ quay lại và có thể kéo dài thêm thời gian tùy phản ứng của trẻ là tích cực hay tiêu cực. Khi kết thúc thời gian quy định mới để trẻ rời khỏi vị trí. Sau đó, không bàn luận về hành vi xấu kia mà tìm cách khuyến khích hành vi tốt hơn.
Việc sử dụng phương pháp “time out” với mục đích:
- Giúp trẻ trấn tĩnh bản thân và hiểu về hành vi của mình
- Tránh làm phiền tới trẻ khác
 
 
 
3. Hành vi chưa phù hợp có chiều hướng bạo lực:
 
Khi trẻ có những hành vi bạo lực về thể chất (ví dụ như: đánh, đá ...), giáo viên cần đảm bảo  sự an toàn về thể chất cho trẻ bằng cách loại bỏ các mối nguy hiểm (ví dụ như: bàn, ghế, đồ chơi ...) ra xa trẻ. Giáo viên cần cố gắng không dùng thể lực để hạn chế trẻ vì điều này có thể làm tăng nguy cơ gây thương tích cho giáo viên hoặc các trẻ khác. Điều này cũng có nghĩa là giáo viên không được sử dụng hành vi bạo lực để chế ngự trẻ. Nếu một giáo viên bị nhìn thấy có một trong các hành vi sử dụng bạo lực có thể sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật hoặc cho thôi việc.
Nếu giáo viên không thể khiến trẻ có hành vi bạo lực bình tĩnh lại thì nên đưa trẻ ra khỏi nơi diễn ra sự việc. Sau đó, giáo viên nên gọi cho gia đình trẻ đến đón trẻ về và cử một giáo viên ở lại với trẻ cho đến khi gia đình trẻ có người đến đón. Nhà trường, giáo viên và gia đình sau đó sẽ ngồi lại với nhau trong thời gian sớm nhất để xem xét các bước xử lý các hành vi không phù hợp của trẻ.
 
 
4. Không thể hạn chế các hành vi chưa phù hợp của trẻ
 
Giáo viên sẽ gặp gỡ gia đình trẻ và cùng nhau phát triển chiến lược giúp trẻ giảm bớt các hành vi không phù hợp. Điều này sẽ đảm bảo tính nhất quán trong việc giải quyết các hành vi giữa phụ huynh và giáo viên.
Giáo viên sẽ cùng với phụ huynh theo dõi sát sao sự tiến bộ của trẻ và các tài liệu đánh giá diễn biến tiếp theo của trẻ sau buổi gặp đầu tiên. Giáo viên sẽ phát triển các chiến lược phù hợp, kết hợp với các chuyên gia để giúp trẻ phát triển các hành vi tích cực và hỗ trợ phụ huynh.
Nếu phụ huynh và giáo viên không thể tìm ra được giải pháp để xử lý hành vi thì nhà trường sẽ tư vấn phụ huynh đến gặp gỡ với các chuyên gia thích hợp như bác sỹ chuyên khoa, chuyên gia tâm lý.
Trong trường hợp không có phương án hiệu quả hạn chế hành vi chưa phù hợp của trẻ  và trẻ vẫn tiếp tục có những hành vi gây hại đến sự an toàn của trẻ cùng lớp và người khác;  hoặc cha mẹ của trẻ không đồng quan điểm với nhà trường trong việc tìm ra giải pháp phù hợp cho các hành vi không phù hợp của trẻ, nhà trường có thể từ chối tiếp tục nhận trẻ.
 

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

Thông tin
Tin tức nổi bật