Câu hỏi 1: Bé học gì khi đến trường?
Trả lời: Khi bé đến trường, ngoài nội dung chương trình học được Nhà trường gửi theo tháng, bé đến trường sẽ được trang bị các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như kỹ năng giao tiếp với mọi người, các kỹ năng tự lập để phục vụ bản thân, kỹ năng sinh hoạt trong môi trường tập thể, … trẻ học được cách xây dựng các mối liên hệ mật thiết với các bạn khác trong lớp, học cách hợp tác với giáo viên để hoàn thành các yêu cầu của nội dung bài học, học cách chia sẻ, trong khi chơi, học cách ứng xử với mọi người xung quanh, học cách diễn đạt trong khi giao tiếp sao cho người nghe dễ hiểu…
Câu hỏi 2: Bé đến trường có được học Tiếng Anh ko? Nhà trường tổ chức dạy Tiếng Anh cho bé thế nào?
Trả lời: Các bé đến trường đều được học tiếng Anh. Các bé ở lứa tuổi 18 tháng, là thời kỳ nhạy cảm nhất về ngôn ngữ, nên trẻ có thể dễ dàng tiếp thu 2 ngôn ngữ cùng một lúc, việc học Tiếng Anh ở giai đoạn này chủ yếu thông qua các trò chơi, các bài hát vận động, các bộ phim hoạt hình để tạo sự hấp dẫn và thu hút trẻ. Với các bạn lớn hơn, thì các con được học tiếng Anh qua các môn tạo hình, thủ công, Toán, kể chuyện thông qua các chủ đề gần gũi với các chủ đề trong nội dung chương trình học Tiếng Việt tại trường, hình thành cho trẻ tư duy song ngữ tiếng Anh – tiếng Việt.
Với các bạn ở khối Nhà trẻ, các con được làm quen tiếng Anh với giáo viên người Việt 3 buổi/ tuần, thời gian 20-30p tùy vào khả năng tập trung của các con. Ngoài ra định kỳ các con cũng tham gia các buổi sinh hoạt chung cùng các anh chị lớp lớn với giáo viên người nước ngoài để con làm quen dần. Còn đối với các bạn ở khối Mẫu giáo, các con được học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài 3 buổi/ tuần và giáo viên người Việt 1 buổi/tuần. Thời gian: 30p/ tiết.
Ở lứa tuổi mầm non, 1 tiết học của các con thường được giới hạn trong khoảng 30p, vì do đặc điểm lứa tuổi, khả năng tập trung của các con không cao, nên việc kéo dài tiết học trong khi các con hết hứng thú và tập trung thì sẽ không mang lại hiệu quả.
Câu hỏi 3: Trường mầm non Little Garden có phải trường song ngữ/ quốc tế ko?
Trả lời: Hiện nay Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam quy định có 3 loại trường Quốc tế:
- Loại trường Quốc tế dành cho con em người nước ngoài, thực hiện 100% chương trình nước ngoài và được sự chấp thuận Bộ giáo dục nước đó
- Loại trường Song ngữ, thực hiện chương trình kép, vừa thực hiện chương trình của Bộ và thực hiện 1 phần chương trình Quốc tế chọn lọc được dạy bằng Tiếng Anh nhưng chương trình quốc tế được lựa chọn vẫn phải được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục Việt Nam.
- Loại trường có yếu tố Quốc tế, thực hiện chương trình của Bộ 100% và có thực hiện dạy làm quen cho trẻ bằng Tiếng Anh
Trường Mầm non Little Garden là loại trường thứ 3. ( Trường có yếu tố quốc tế tức là có giáo viên nước ngoài giảng dạy tiếng Anh tại trường)
Câu hỏi 4: Tôi có thể liên lạc với giáo viên bằng cách nào?/ Cho tôi xin số điện thoại cầm tay của giáo viên trên lớp?...
Trả lời: Do tính chất công việc ( là phải đảm bảo an toàn cho trẻ mọi lúc mọi nơi), nên giáo viên làm việc ở trường chúng tôi chủ động không sử dụng điện thoại trong giờ làm việc với trẻ.
VD: Khi phụ huynh gọi điện thoại đến, giáo viên sẽ mất 3-5p để nghe điện thoại, giáo viên sẽ phải ra khỏi lớp để trao đổi với phụ huynh, việc giáo viên rời khỏi lớp trong khoảng thời gian đó, sẽ ảnh hưởng đến công việc của giáo viên. Chưa kể ở lớp có nhiều trẻ, nếu mỗi phụ huynh ở lớp mà gọi điện thoại đến cho giáo viên, thì thời gian giáo viên phải trao đổi với phụ huynh không chỉ là 3-5p nữa…Đây là lý do mà Giáo viên ko sử dụng điện thoại trong khi làm việc tại trường.
Vì vậy, phụ huynh cần trao đổi với giáo viên thì vui lòng gọi điện thoại qua số máy của văn phòng, bộ phận Vp sẽ chuyển thông tin lên lớp cho giáo viên, nếu cần trao đổi trực tiếp, VP sẽ nhắn giáo viên liên lạc lại trực tiếp để trao đổi với phụ huynh trong thời gian phù hợp và sớm nhất có thể. Còn trong tất cả các trường hợp cần thiết như: con sốt, (con khóc nhiều quá các cô thay phiên nhau dỗ dành mà không được đối với trẻ mới đi học), con gặp vấn đề đặc biệt liên quan đến sức khỏe ở trường thì nhà trường luôn chủ động liên lạc với PH.
Câu hỏi 5: Tôi muốn biết về sĩ số lớp học và tỷ lệ giáo viên khi con tôi học tại trường?
Trả lời: -Ở lứa tuổi nhà trẻ: Nhà trường đảm bảo 1 cô: 5 trẻ. Với những trẻ mới đi học, Nhà trường luôn có giáo viên tăng cường để hỗ trợ trong khi có cháu mới đi học. Nhà trường luôn dành 1 cô chăm sóc 1 bé trong tuần đầu để đảm bảo ổn định tâm lý một cách tốt nhất, giúp bé ổn định tâm lý để thích nghi với môi trường mới một cách tốt nhất có thể.
-Ở lứa tuổi mẫu giáo:Sĩ số: 15 trẻ/ 2 cô. Lớp học với diện tích 45m2/ phòng học, Nhà trường đảm bảo sĩ số không quá 20 trẻ. Và sẽ luôn có giáo viên bổ sung trong trường hợp tăng sĩ số trẻ. Vì lý do trẻ ở lứa tuổi này, khả năng tự lập đã tốt hơn rất nhiều, trẻ cần nhiều bạn để giao lưu và lựa chọn bạn chơi, tuy nhiên với bé ở lứa tuổi 3-4 mới đi học, trong trường hợp cần thiết cần ổn định tâm lý và giúp con hòa nhập nhanh hơn thì nhà trường vẫn dành 1 cô để chăm sóc con trong tuần đầu khi con mới nhập học.
Câu hỏi 6: Con tôi rất sợ và hốt hoảng khi đến trường mầm non. Nếu con tôi không muốn rời tôi, thì tôi phải làm sao?
Trả lời: Hoảng sợ và hốt hoảng khi đến trường mầm non là dấu hiệu tâm lý bình thường của trẻ khi trẻ tách khỏi môi trường gia đình để tham gia vào môi trường học tập ở trường, lớp. Để giúp trẻ vượt qua khoảng thời gian khó khăn này, phụ huynh nên:
- Đưa trẻ đến trường chơi vài ngày (trước khi bé đi học chính thức) để tạo cho bé cảm thấy trường học là nơi rất quen thuộc với trẻ. Điều này, sẽ làm cho trẻ quên đi sợ hãi khi rời bố mẹ và trẻ sẽ nhanh chóng làm quen trường lớp.
- Nên cố gắng sắp xếp sao cho trẻ có thể gặp các bạn cùng lớp trước khi bắt đầu đi học, như vậy trẻ sẽ có bạn ngay từ ngày đầu đến trường.
- Cho trẻ biết là đến trường sẽ rất vui và trẻ sẽ có thêm nhiều bạn mới, có nhiều trò chơi mới. Hãy cho trẻ biết rằng, tất cả những bạn nhỏ khác cũng đến trường để đi học.
- Cho trẻ biết được nhiệm vụ của con hàng ngày là đi học, và nhiệm vụ của bố mẹ là hàng ngày đi làm.
- Nếu trẻ khóc khi phụ huynh rời trẻ, phụ huynh đừng quá lo lắng. Hầu hết trẻ em đều ngưng khóc ngay khi cha mẹ khuất khỏi tầm nhìn của trẻ. Nếu trẻ bật khóc khi bạn rời trẻ, điều tốt nhất là phụ huynh hãy đi thật nhanh cho khuất tầm nhìn của trẻ. Phụ huynh càng ở lại lâu, thời gian khóc của trẻ sẽ kéo dài hơn và càng làm cho trẻ khóc nhiều khi phụ huynh rời trẻ. Và giáo viên cũng khó tiếp cận, làm quen được với trẻ trong khi trẻ khóc đòi bố mẹ.
- Bố mẹ nên cho trẻ mang theo một vật dụng hay đồ chơi quen thuộc mà trẻ yêu thích, để giúp trẻ thấy yên tâm.
- Bố mẹ đừng lờ đi cảm giác lo buồn của trẻ. Hãy nói với trẻ rằng, chuyện căng thẳng của trẻ trong ngày đầu đến trường là chuyện rất bình thường rồi cùng chia sẻ những cảm xúc lo lắng của trẻ. Và bạn hãy trò chuyện với cô giáo (khi trẻ đang ở bên cạnh bạn) để trẻ thấy rằng: cô giáo và mẹ trò chuyện rất vui giống như hai người bạn thân hay như cô, dì trong gia đình. Điều này, làm cho trẻ an tâm hơn, vui hơn khi đến lớp.
Lưu ý: Trong trường hợp trẻ khóc và bám chặt lấy phụ huynh, phụ huynh hãy dũng cảm giao con cho giáo viên, giáo viên sẽ nhanh chóng dỗ trẻ nín khóc bằng nghiệp vụ sư phạm của mình; nếu phụ huynh tiếp tục ở lại dỗ dành trẻ thì sẽ làm cho trẻ khóc nhiều hơn, khóc lâu hơn, điều này dẫn đến việc trẻ mệt và nôn ói ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ hơn. Điều quan trọng, Xin phụ huynh hãy yên tâm về nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên trong trường.
Câu hỏi 7: Nếu con tôi đánh bạn, nghịch ngợm; cô giáo sử dụng hình thức kỷ luật nào để con tôi dừng các hành động đó?
Trả lời: Nhà trường tuyệt đối không đồng ý với quan điểm giáo dục trẻ bằng cách đánh đập, la mắng hay dọa nạt. Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng việc đánh đập, dọa nạt trẻ chỉ mang lại tác dụng tiêu cực cho trẻ. Trẻ có thể bị chấn thương tâm lý như: sợ hãi, ám ảnh hoặc trẻ có biểu hiện lì lợm, bất cần hơn.
- Các giáo viên trong trường, ngoài việc được đào tạo bài bản tại các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm chuyên ngành mầm non, còn thường xuyên được Hội đồng chuyên môn tập huấn xử lý các tình huống. Việc xử lý tình huống sư phạm trẻ nghịch phá hay đánh bạn… được thực hiện bằng nhiều cách, nhiều cấp độ khác nhau. Ví dụ: Giáo viên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc trẻ có những hành động như vậy, gần gũi khuyên bảo trẻ giúp trẻ tự nhận ra lỗi, hướng dẫn trẻ khắc phục lỗi và tự điều chỉnh hành vi của mình; chỉ trách phạt phê bình nghiêm túc (có tính giáo dục, VD: Cho trẻ ngồi góc suy nghĩ, không cho trẻ chơi với bạn trong vòng 3-5p, giáo viên sẽ giải thích vì sao con không được tham gia hoạt động cùng bạn, để con nhận ra lỗi của mình.) phê bình nhắc nhở khi trẻ phạm lỗi nhiều lần; khen thưởng trẻ khi trẻ ngoan hơn. Ngoài ra, Giáo viên sẽ trao đổi, tình cách giải quyết để phối hợp với gia đình trẻ, cùng giúp trẻ khắc phục những hành vi chưa đúng trong khi giao tiếp và sinh hoạt tại trường.